Có nhiều cách người ta đến với Lưu Quang Vũ, mà với nhiều người,
Lưu Quang Vũ có lẽ chỉ là Vũ, như một mối tình không bao giờ nghĩ đến đích,
nhưng không bao giờ mất đi.
Gọi là mối tình đầu, tình thứ hai hay thế nào cũng được. Thơ Vũ cho người ta
hiểu rằng bất cứ khi nào yêu được thì hãy cứ yêu đi, đừng băn khoăn gì cả, đừng
nghĩ gì ngoài nó. Bởi thế, người đàn bà nào của Vũ cũng tha thiết tận tim.
Người đàn bà nào cũng có thể tự thấy mình là người xứng đáng với tình yêu hơn
hết, khi được Vũ yêu và khi yêu Vũ.
Ðừng ghen tuông, dù luôn khát khao tuyệt đối, và thường trực
ghen tuông, vì tất thảy sẽ là "người đàn bà không có tên", nhưng như
khí trời để thở, như tình yêu để yêu, như thơ để sống...
Nhiều bài thơ của Vũ có sức ám ảnh như những bài về chiến tranh.
Nhưng những bài về tình yêu hay chính là về tâm hồn, một thứ "tâm hồn dằn
vặt cuộc đời", như con ong tha thẩn vẫn ấp ủ niềm tin khi bay tìm hương
nhụy đã mất, có lẽ mới thật là Vũ của tuổi trẻ, của tuổi mười bảy: Thành phố
ngày anh mười bảy tuổi/Viển vông, cay đắng, u buồn.
Ở thành phố đó, Vũ là gã trai lang bạt những đêm lộng gió, mơ về
những con tàu, những hải cảng, những bài hát trong các cuốn phim cũ, dằn vặt về
một khao khát chưa yên, như quả chuông đập giữa hồi chuông vô tận của trời
xanh, hồi hộp, bồn chồn sống.
Tất cả hình ảnh, giọng điệu... làm thành cái không gian mà rất
ít nhà thơ làm được - điều mà thơ Vũ tạo ra được một cách tự nhiên: cái khí
quyển tinh thần vừa hiện hữu như trang sách chạm tay vào được, mà lại hoang
tưởng như những điều bí mật gợi ra trong trang sách đó.
Nhưng tôi không tin người yêu thơ Vũ có thể trả lời câu hỏi: vì
sao yêu thơ Vũ? Nếu nói đến cách tạo dựng hình ảnh siêu thực thì sự siêu thực
của Vũ không thật quái lạ. Nói cái mới về ngôn ngữ, cảm xúc... hình như đều
không phải.
Mọi thứ phân tích dường như là vô nghĩa. Có điều đọc thơ Vũ,
người ta có lẽ đã để xảy ra nơi tâm hồn mình sự nhập thân hay sự tự đồng nhất
kỳ lạ - dù người đọc là nữ hay nam, là kẻ cô đơn hay có xung quanh bao niềm vui
bè bạn - điều chỉ có khi người làm thơ đã viết như trút bỏ mình nơi đó.
Hay Vũ đã "giết" người bằng những từ gây nguy hiểm mà
cũng là những từ làm nên sức mạnh của tuổi trẻ, vì nó luôn tìm đến sự sâu thẳm,
tận cùng, tuyệt đối, mà không bị màu mè, làm dáng, lão hóa hay sến rớt khi Vũ
dùng: bàng hoàng, tận cùng, dằn vặt, bơ vơ, cô đơn, bồn chồn ước ao...
Thơ Vũ và Vũ trẻ, thật sự, ở sự khao khát cái tuyệt đối và sự
thất vọng quá sâu đó, nhưng không bao giờ mòn mỏi.
Nắp đàn khóa sợi dây vẫn hát
Bao giờ ngâu nở hoa...
Trong thơ, Vũ không phải là Lưu Quang Vũ, Vũ là một
nhân vật. Con người buồn bã, mơ mộng, sâu thẳm và lại rất mực ngây thơ ấy đã trở
thành tình yêu của nhiều người trẻ, ở cái độ trẻ nhất của đời họ.
Tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (Nhã
Nam và NXB Hội Nhà Văn) vừa ra mắt có lẽ đã làm sống dậy trong lòng người yêu thơ
cái thời tuổi trẻ đã/đang qua của họ.
Sự dày dặn của nó, những tranh minh họa của Nguyễn Thị
Hiền, Ðặng Xuân Hòa cùng thủ bút của tác giả là một món quà cảm động với người
đọc thơ.
Nhưng tôi chưa tin có người nào viết được về thơ Vũ mà
không giết đi thơ Vũ, hay làm một việc thừa.
Nhã Thuyên (Báo Tuổi trẻ)
Sách hiện có tại Thư viện DNTU: Kho sách tham khảo => Giá Kỹ năng sống – Văn học – Lịch sử =>
G09K23
Mời các bạn tìm đọc!