Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động học tập trong hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB.
 |
Bạn đọc thường xuyên đến đọc báo tại các phòng đọc của Thư viện tỉnh. Ảnh: L.Na |
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều phương pháp tiếp cận mới trong học tập, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong mỗi người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn Đồng Nai.
* Học tập tại các thiết chế
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các hoạt động tập trung đông người tạm ngưng, song việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời tại hệ thống thiết chế văn hóa vẫn được duy trì và tạo sự lan tỏa. Phó giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thị Hồng cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong xây dựng các hoạt động trong đại dịch. Tiêu biểu như luân chuyển sách về cơ sở; tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp tỉnh; phát động học sinh đồng hành với kênh Cùng bạn đọc sách, chia sẻ sách hay, chung tay phòng dịch…
“Ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống các thư viện liên kết với nhau, sử dụng phần mềm Vebrary… thông qua máy chủ đặt tại Thư viện tỉnh. Thư viện thường xuyên cập nhật thông tin mới, bài viết về hoạt động trong tỉnh lên website; duy trì chuyên mục mỗi tuần một cuốn sách hay phục vụ bạn đọc trong và ngoài tỉnh” - bà Hồng chia sẻ.
Chỉ tính từ năm 2014-2020, mỗi năm Bảo tàng tỉnh đón khoảng 40-60 ngàn lượt khách đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Trang thông tin điện tử bảo tàng tích cực cập nhật dữ liệu mới trong mùa dịch, giúp người dân tiếp cận các thông tin nhanh, chính xác.Trước đại dịch, Bảo tàng tỉnh cũng thường xuyên đưa di sản văn hóa về cơ sở thông qua hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, bảo tàng thực hiện nhiều chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa từ những cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử di tích, thắng cảnh.
Với hệ thống trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các cấp, những năm qua hệ thống thiết chế văn hóa này đã phát huy tốt công năng trong thúc đẩy phong trào học tập suốt đời. Toàn tỉnh hiện có 65 tủ sách trung tâm học tập cộng đồng xã, 95 điểm bưu điện văn hóa xã, 11 thư viện kết hợp nông trường - xã; có 9/11 thư viện cấp huyện, 155/164 thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ internet miễn phí… Tại các thiết chế này đã và đang duy trì từ vài chục đến vài trăm mô hình CLB. Chỉ tính riêng Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh đã có hơn 10 CLB với hơn 200 người tham gia.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong CLB được trung tâm chú trọng. Trong đó, trung tâm thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn nghệ, sáng tạo thơ ca, đờn ca tài tử cho các mô hình. Tùy vào tình hình thực tế để mỗi năm trung tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để các địa phương phát triển phong trào quần chúng. Từ đó, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư, củng cố khối đại đoàn kết trong cộng đồng.
* Tuyên truyền chủ trương xây dựng xã hội học tập
Mặc dù hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phát huy hiệu quả hoạt động song vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Theo Thư viện tỉnh, hệ thống thư viện điện tử được đầu tư đến nay đã lâu, cơ sở dữ liệu ngày càng nhiều nên việc truy cập thông tin chậm. Đường truyền cung cấp internet của một số địa phương chưa đáp ứng được dịch vụ internet miễn phí cho người dân. Việc cung cấp tài liệu số trực tuyến và xây dựng kho tư liệu số trong hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh chưa được thực hiện…
Để khắc phục khó khăn, tổ chức tốt các hoạt động học tập suốt đời, Sở VH-TTDL cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trường học trong việc triển khai thực hiện đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB. Tích cực vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội, cá nhân cùng đồng hành tham gia, quảng bá thư viện cộng đồng bằng nhiều hình thức; làm cho cộng đồng hiểu được văn hóa đọc là cần thiết và quan trọng để từ đó hình thành thói quen, đam mê và lan tỏa các phong trào đọc sách.
Với việc xây dựng xã hội học tập, Sở GD-ĐT (Chủ nhiệm chương trình 11) cho biết, từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, Tuần lễ học tập suốt đời được thực hiện với chủ đề Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Đây là dịp các cơ sở giáo dục, Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng tổ chức các hoạt động, hội thi trực tuyến hay các chuyên đề… nhằm phục vụ người dân trên địa bàn, góp phần tuyên truyền và lan tỏa chủ trương xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.
Ly Na